Chắc hẳn, nếu không phải là người con của quê hương Nam Định bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên và sẽ trợn tròn mắt tại sao mỗi mâm cỗ đám cưới ở Nam Định lại có những túi nilon? Và tại sao lại lấy phần trong khi đời sống hiện nay khá giả, no đủ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu “Tục ăn cỗ lấy phần của người Hải Hậu Nam Định” dưới đây !
Tục ăn cỗ lấy phần là gì nhỉ?
Ăn cỗ lấy phần là một nét đẹp văn hóa từ xa xưa của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Và đặc biệt đây là 1 nét đẹp văn hóa thôn quê từ thời xa xưa của cư dân vùng ven biển ở Nam Định. Không phải đơn giản mà nó lại trở thành tục lệ, cũng không phải ngẫu nhiên mà trong đình đám như đám cưới đi ăn cỗ lại được mang phần về. Để hiểu được phong tục tập quán đó, ta phải tìm hiểu thì mới nhận thấy những nét đẹp, đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa, nhân văn của phong tục tập quán của người dân nơi đây.
Mâm cỗ thụ lộc sau buổi lễ tế Tổ Trần Quốc Thể tại nhà thờ Tổ
Nguồn gốc xuất xứ của phong tục ăn cỗ lấy phần
Người Hải Hậu Nam Định vẫn có một câu cửa miệng rằng “Đi ăn cỗ lấy phần“. Có lẽ tục ăn cỗ lấy phần tại nơi đây đã ăn sâu vào trong tâm trí từ người già, người trung tuổi, thanh thiếu niên cho đến trẻ nhỏ. Tập quán này không biết có từ bao giờ bởi trong những bữa cỗ việc làm cỗ lấy phần hay ăn cỗ lấy phần là một điều tất nhiên ăn sâu vào suy nghĩ, tâm trí của người dân Hải Hậu.
Có lẽ, vì cuộc sống khó khăn, bữa no, bữa đói, vì tính thương người và luôn nghĩ cho người thân trong gia đình nên mỗi khi đi ăn cỗ các bà, các mẹ đều bớt miếng ăn của mình để dành dụm mang về cho những người thân đang ở nhà trông ngóng đặc biệt là những đứa con thơ. Và những đứa con ở nhà luôn ngóng mẹ đi ăn cỗ mang phần về để được thưởng thức bữa ăn ngon. Đó chính là tình cảm thiêng liêng, cao thượng từ “lòng mẹ thương con”.
Đối với mỗi gia đình ở Hải Hậu xưa, đông con nhiều cháu, để có một bữa ăn hoàn chỉnh không phải đơn giản nhất là khi cái đói, cái nghèo chi phối toàn bộ xã hội từ thời phong kiến, chiến tranh cho đến tận khi hòa bình được lập lại, xã hội chuyển sang chế độ bao cấp. Để có một bữa ăn ngon cho cả gia đình thường phải đợi đến dịp trong nhà có đình đám, giỗ chạp. Khi ấy, mâm cơm thường ngày với cháo gạo hay củ sắn, củ mì sẽ được thay thế bằng miếng thịt, bát canh… Nhưng ăn bữa nay phải nhớ đến bữa mai, người đi ăn cỗ phải nhớ đến con cháu ở nhà chưa có miếng gì ăn. Thế nên, ăn cỗ lấy phần xuất phát từ tình cảm thiêng liêng, chân quý là vậy.
Rất nhiều định kiến cho rằng “Tục ăn cỗ lấy phần Hải Hậu” là một nét xấu, nên được loại bỏ nhưng xét trên khía cạnh của tình mẫu tử, tình gia đình, người thân thì đây là một nét văn hóa, phong tục đẹp là 1 nếp sống cao thượng và giàu lòng trắc ẩn của những người con Hải Hậu. Vì vậy, cho đến bây giờ, tục lệ ăn cỗ lấy phần ở Hải Hậu vẫn còn được duy trì như giá trị sống vốn có từ bao đời nay.
Trong mâm cỗ tại nhà thờ Tổ Trần Quốc Thể, ảnh: Trần Quang Nhật
Hải Hậu là huyện có 32 xã và 3 thị trấn, thì mỗi nơi, mỗi xã lại có phong tục làm cỗ lấy phần khác nhau. Nhưng chung quy lại tục làm cỗ lấy phần ở Hải Hậu hay ăn cỗ lấy phần Hải Hậu đều có đặc điểm chung của 1 mâm cỗ bao gồm: thịt gà, giò, chả, trứng vịt lộn, xôi đỏ. Bổ sung vào mâm cỗ Hải Hậu sẽ là những món rau xào, thịt xào, bát miến bung, cơm để ăn cùng.
Bên cạnh đó đối với mâm cỗ đàn ông sẽ là những lon bia hoặc chai rượu trắng và người già, phụ nữ, trẻ em sẽ là những chai nước ngọt cùng với những hoa quả tráng miệng sau những bữa ăn. Rõ ràng, mâm cỗ Hải Hậu nói riêng hay mâm cỗ Việt Nam nói chung vẫn là những món ăn thân thuộc gần gũi với cuộc sống của làng quê ven biển với đặc sản là gạo tám thơm Hải Hậu.
Mẫm cỗ tại nhà thờ Tổ Trần Quốc Thể, Hải Hậu, ảnh Quang Nhật năm 2018
Và đặc biệt, điều quan trọng của mâm cỗ lấy phần tại Hải Hậu không thể không có túi nilon để sẵn trên chồng bát hoặc trên mâm cỗ. Nếu như trước đây, các bà, các mẹ đi ăn cỗ lấy phần thường được gói bằng lá dong, là chuối do cuộc sống vẫn còn khó khăn. Thì ngay nay, việc ăn cỗ lấy phần ở Hải Hậu đã được thay bằng túi nilon trắng. Việc đó thể hiện sự sang trọng, lịch sự để người đi ăn cỗ thoải mái và gia chủ cũng cảm thấy hài lòng vì bữa cỗ đầy đủ và thịnh soạn.
Ăn cỗ xong là giai đoạn chúng ta bắt đầu chia phần vào những túi nilon ở sẵn trên mâm. Đối với những mâm cỗ có khách lạ ngồi cùng, thông thường vị khách đó sẽ có hoặc không lấy phần, những người còn lại sẽ nhanh chóng chia chỗ thức ăn còn lại vào các túi nilon có sẵn trên mâm cỗ. Tuy nhiên, điều đó được thực hiện rất nhanh để tránh việc vị khách lạ kia chê cười.
Ý nghĩa phong tục ăn cỗ lấy phần
Đối với tôi, “Tục ăn cỗ lấy phần là Nét đẹp văn hóa thôn quê” bởi nó luôn nhắc nhở mình là:
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Uống nước nhớ nguồn
Đây chính là nguồn cội, nét đẹp truyền thống mà ông cha ta đã truyền lại. Nó đã được tiếp nối bao nhiêu thế hệ của người con Hải Hậu Nam Định. Nhưng chúng ta không nên vì đó mà lạm dụng nó. Có nhiều nhà chỉ vì tính sĩ diện mà làm cỗ rất to, gây lãng phí và kéo theo việc đi ăn cỗ với giá tiền rất cao. Hay như, nhiều nhà không có điều kiện cũng phải cố làm cỗ to để người bà con làng xóm không chê cỗ to hay cỗ nhỏ.
Chính sự so bì,chính sự đố kỵ hay chỉ vì tính sĩ diện hão mà vô tình chúng ta đánh mất đi nét đẹp của tập tục ăn cỗ lấy phần của người Hải Hậu. Và bạn cũng đừng bao giờ phải xấu hổ với bạn bè xung quanh rằng: “Quê tôi ăn cỗ lấy phần” bởi mỗi nơi sinh ra, mỗi miền quê đều có những phong tục, nếp sống, nếp nghĩ khác nhau.
Mâm cỗ trong buổi liên hoan gặp mặt con cháu cụ Tú Toản tại Hà Nội
Hãy sống đúng với giá trị, tinh thần của người Hải Hậu đó chính là nét đẹp, là nếp sống văn hóa và cũng là điểm khác biệt mà không nơi nào có được. Và Tục ăn cỗ lấy phần vẫn là nét đẹp văn hóa thôn quê của miền quê Bắc Bộ Việt Nam.
Một động tác nhỏ thế thôi nhưng nếu đánh giá một cách khách quan theo góc độ văn hóa thì nó lại rất ngộ nghĩnh và đáng yêu, thậm chí ở một góc nhìn nào đó, nó còn được coi là tập quán thú vị. Trong mâm cỗ có thanh niên ngồi, nếu không có ai lấy phần thì những thứ còn lại sẽ dành cho những người dọn dẹp (tức người thu dọn mâm cỗ đó sau khi mọi người đã ăn xong).
Các bài thơ Ăn Cỗ Lấy Phần
Quê tôi ăn cỗ lấy phần
Người ta thấy lạ phân vân rồi cười
Ai xa cố gắng về chơi
Ở lâu mới biết con người Thành Nam
Chịu thương chịu khó ham làm
Biết nhường biết nhịn chẳng tham bao giờ
Cái thời còn đói khổ cơ
Mẹ đi ăn cỗ con chờ chồng mong
Quanh năm vất vả long đong
Chạy ăn bữa trước phải phòng bữa sau
Cả làng đâu có ai giàu
Có công có việc giúp nhau tận tường
Mẹ ,cha biển rộng tình thương
Ăn khoai với sắn cơm nhường phần con
Đi đám mà có miếng ngon
Không ăn gói lại dành con ở nhà
Cũng theo truyền thống thôi nha
Miếng xương phần mẹ thịt là của con
Nghèo nhưng đạo nghĩa vuông tròn
Tình cha nghĩa mẹ héo hon mặn nồng
Nghĩ xem có đáng cười không
Đau lòng cha mẹ có công nuôi mình
Ai chẳng muốn đẹp muốn xinh
Lấy phần không xấu là tình thương thôi
Giờ thì chắc bạn hiểu rồi
Quê mình có cỗ tớ mời về ăn….
Thành Bùi 29/1/2015
———————————–
Nam Định ăn cỗ lấy phần
Ai yêu Nam Định nhà mình
Thì về ăn cỗ linh đình nghe chưa.
Ăn xong rồi sẽ được đưa
Một túi giò chả, thịt gà, bánh bao.
Tôi Yêu Thành Nam
Vũ Hồng 19/5/2016
—————————-
Nam định ăn cỗ độc chiêu.
Trên mâm ắt hẳn có nhiều món ngon.
Rau canh ăn sạch chẳng còn.
Giò thịt chừa lại góp gom mang về.
Xưa kia đói khát trăm bề.
Mẹ mới nhịn cỗ mang về cho con.
Bây giờ mặc đẹp ăn ngon.
Thì nên tạm biệt lối mòn này thôi.
Để cho thiên hạ khỏi cười.
Thành Nam ăn cỗ chẳng xơi mang về.