Đức Thủy tổ sinh năm 1530 ở xã Cát Chử, huyện Châu Ninh phủ Thiên Trường nay là thị trấn Cát Thành huyện Trực Ninh tỉnh Nam Định. Thủy tổ là con trai duy nhất của khởi tổ Trạch Lương và là cháu đời thứ 9 của Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn.

Thủy tổ sinh ra trong một gia đình Nho giáo và có quyền chức thời nhà Lê. Là người thông minh lanh lợi, hiếu học cùng với gen gia truyền của cha ông nên ngay từ nhỏ Thủy tổ đã ham học chăm lo kinh sử học hành. Thừa hưởng nề nếp gia phong truyền thống dòng họ Trần, thuộc dòng họ Hưng Vương của các Triều Trần, nó có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển sinh tồn của dòng họ, của gia đình và của bản thân Thủy tổ nói riêng. Sau khi thi đỗ kỳ thi Hương, đạt kết quả Hương cống (hay Cống sĩ, đỗ bốn trường trong kỳ thi Hương) Thủy tổ được bổ nhiệm làm quan.

Các vị khảo quan trong lễ xướng danh khoa Đinh Dậu tại Nam Định, ngày 27/12/1897. Ảnh tư liệu

Các thí sinh tụ tập nghe xướng danh người trúng tuyển kỳ thi Hương Nam Định năm 1897

Hệ xuất Đông A, tiển tổ truyền cựu phả

Phái lưu Hà Lạn, tử tôn phát tân cơ

Dịch nghĩa là:

Vốn dòng dõi nhà Trần, Tiên tổ còn ghi trong phả cũ

Rẽ nhánh xuống Hà Lạn, con cháu dựng xây nền móng mới

Trải qua các Triều vua như Lê Thần Tông (1573-1600) và Lê Kính Tông (1600-1619), khi tuổi đã cao, Thủy tổ về chí sĩ (về hưu quan) tại quê nhà. Năm 1597, An Phủ sứ trấn Sơn Nam - Vũ Duy Hòa là người con rể thứ hai, được Vua Lê Thế Tông ban chiếu chỉ về khai hoang, lấn biển và lập ấp tại làng Hà Lạn cửa Lạn Môn, nay là ba xã: Hải Hà; Hải Phúc và Hải Lộc. Đức Thủy tổ cùng với hai con trai của mình là tổ ngành Đại Độ và Thiện Đạo, con rể cả Tổ Phạm Hương Lan kết hợp với hai Tổ khác Đỗ Thái Giám, Đoàn Công Cai tập hợp cùng gia quyến về khai hoang/lập ấp cho đến ngày hôm nay.

Nơi thờ cúng Thủy tổ Trần Quốc Thể

Với đức tính hiền hậu, nhân từ và thanh liêm của Đức Thủy tổ ở đâu Người cũng được quan cùng thời, nhân dân trong vùng kính trọng. Với sự cống hiến của Đức Thủy tổ ngày 25 tháng 7 triều vua Nguyễn niên hiệu Khải Định 9 (năm 1924) sắc phong Đức Thủy tổ là Tôn Nhã linh thiêng sáng tỏ đã từng được ban cấp sắc phong chuẩn cho phép được thờ phụng và được chiếu tặng thưởng thêm là Đoan túc tôn thần (Vị thần cung kính, ngay thẳng). Tổ bà là Lê Quý thị hiệu từ Khương chính đức Ngọc Thanh, sinh năm 1533 thuộc dòng dõi họ Lê phủ Thiên Trường, gia đình chức sắc trong triều Lê lúc bấy giờ. Tổ sinh được sáu người con (2 trai và 4 gái) đó là: Tổ ngành Trần Quý Công húy Xuyến tự pháp nghiệm Đại Độ tiên sinh; người con thứ hai là Trần Quý Công húy Đàm tự Thiện Đạo hiệu Trung trực phủ quân; người con gái cả lấy tổ Phạm Hương Lan – Quan tri huyện Hoa Đường; người con thứ tư là Trần Ả Lương húy công hiệu Từ Minh lập gia đình với Tổ Vũ Duy Hòa; người con thứ năm là Đông A Trần Quý thị húy Hiền hiệu tam công chúa; người con thứ sáu là Trần Quý Lương hiệu Từ Phúc là vợ của tổ Lâm Hòa Đạo (họ Lâm xã Hải Lộc hiện nay).

Nhà thờ Tổ họ Trần Đại tộc, ảnh chụp năm 2014 & 2019 (ảnh dưới)

Các lớp hậu duệ của Đức Thủy tổ đến nay (2019) là 14 đời con cháu. Thủy tổ cùng với Tổ bà luôn luôn chăm lo cho cây phúc và quả đức để lại cho con cháu mỗi ngày một thêm xanh tươi, đâm chồi nảy lộc. Năm Đinh mão 1627, Đức Thủy tổ tạ thế hưởng thọ 97 tuổi, tổ Bà mất năm 1625 hưởng thọ 92 tuổi. Mộ phần của Ông được an táng trước khuân viên chùa Đào Am. Năm 1958-1959 để phục vụ công tác thủy lợi nội đồng, địa phương khơi sông trước chùa Đào Am ảnh hưởng tới phần mộ nên con cháu dòng họ di chuyển về xây dựng ngay trong khuân viên nhà thờ. Năm 2019, được sự cho phép của Chính quyền và sự thống nhất con cháu trong dòng họ, phần mộ Thủy tổ và các mộ phần của Tiên tổ đời thứ 5 trở đi được an táng về khu lăng mới tại Nghĩa trang nhân dân xã Hải Phúc.


(*) Hương cống theo wikipedia:

Hương cống 鄉貢; hay Cống sĩ là một loại học vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, tức là đỗ tứ trường khoa thi Hương. Loại học vị này được xác định trong khoa thi Hương: Là khoa thi được tổ chức theo lệ thường 3 năm có 1 khoa, nhiều tỉnh thi chung 1 trường, chẳng hạn khoa thi năm 1813 tại trường Quảng Đức có 8 tỉnh-chỉ lấy đỗ 9 người[1]. Tùy theo khoa thi, nhưng số lượng lấy đỗ khá ít đỗ tứ trường gọi là Cống sĩ để bổ nhiệm làm quan, thí sinh xếp thứ nhất trong các Cống sĩ khoa thi Hương gọi là Giải nguyên.

Vào đời nhà Hậu Lê mỗi khoa thi Hương có 4 kỳ (xưa gọi là 4 trường) kéo dài khoảng 1 tháng. Nội dung thi cơ bản như sau:

  • Kỳ I: Kinh nghĩa, thư nghĩa;
  • Kỳ II: Chiếu, chế, biểu;
  • Kỳ III: Thơ phú;
  • Kỳ IV: Văn sách.

Đỗ cả ba kỳ thì được nhận học vị sinh đồ; đỗ cả bốn kỳ được nhận học vị Hương cống. Hương cống và sinh đồ là tên gọi do vua Lê Thánh Tông đặt năm 1466. Đến năm 1828 vua Minh Mạng mới đổi cách gọi Hương cống thành Cử nhân: ở Việt Nam, không nên lầm lẫn giữa Cử nhân Nho học của triều Nguyễn (lấy ít người đậu, 3 năm một khoa thi) với Cử nhân tân học (tốt nghiệp Đại học của nhiều trường trong nước ngày nay).