Tháng 7 lễ Vu Lan đã trở thành nét đẹp truyền thống về đạo hiếu của Phật giáo nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh từng nói: “Dân tộc Việt Nam chúng ta rất xem trọng đạo hiếu, trong kinh Đức Phật có dạy: “Hiếu hạnh đứng đầu muôn hạnh. Hiếu mà cảm đến trời thì mưa thuận gió hòa, hiếu mà cảm đến đất thì vạn vật sinh sôi, hiếu mà cảm đến người thì muôn phước tăng trưởng”. Cho nên chữ “hiếu” rất cao quý, rất lớn lao”. Là một người con, chúng ta phải thấm nhuần đạo hiếu. Mỗi mùa Vu Lan đến, chúng ta lại có dịp được ôn lại, học lại, được thực tập tâm hiếu hạnh trong niềm hạnh phúc vô bờ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan. Xin giới thiệu bài viết “Lễ Vu Lan là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan” qua lời giảng của Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, để giúp quý độc giả hiểu rõ về ngày lễ Vu Lan cũng như cách thực hành tâm hiếu sao cho đúng Pháp.
Lễ Vu Lan là gì?
Về ý nghĩa của chữ “Vu Lan”, Sư Phụ giảng giải: “Vu Lan có nghĩa là gì? Từ Vu Lan không phải là chữ Hán mà từ Vu Lan được dịch từ tiếng Phạn, đó là Ullambana. Ullambana dịch ra chữ Hán là Giải đảo huyền, trong tiếng Hán không có từ tương đương nên chúng ta dịch nguyên nghĩa từ tiếng Phạn là Vu Lan Bồn. Vu Lan Bồn giống như chữ Ullambana. Giống như tiếng “Buddha”, trong tiếng Việt đọc là Bụt, nhưng trong tiếng Hán đọc là Phật. Đó là cách phiên âm, cách dịch. Nghĩa của từ Ullambana hay Vu Lan Bồn này, chính là Giải đảo huyền. “Đảo” là lộn ngược, “huyền” là treo lên, “giải đảo huyền” nghĩa là hóa giải tội bị treo ngược”.
Để đại chúng hiểu rõ hơn về lễ Vu Lan – tức lễ Giải đảo huyền, Sư Phụ giảng giải thêm: “Lễ Vu Lan gọi là lễ Giải đảo huyền, là cứu nạn bị treo ngược trong địa ngục, mà nói chung là cứu cái khổ cho những chúng sinh bị đọa trong địa ngục. Những chúng sinh đó bị đọa địa ngục là do khi ở trên dương thế tạo các tội lỗi nặng nề. Vậy, lễ Vu Lan là lễ có ý nghĩa cứu khổ trong địa ngục và từ đó có nghĩa là con cháu báo hiếu cho cha mẹ, tiên tổ”. Theo lời giảng giải của Sư Phụ, lễ Vu Lan chính là một nghi lễ thiêng liêng, là cơ hội giúp chúng ta thực hành báo hiếu cha mẹ, tổ tiên, cứu những chúng sinh trong cảnh khổ của địa ngục.
Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng về lễ Vu Lan là gì?
Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan
Thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, có gia đình bà Thanh Đề rất giàu sang, trưởng giả, có người con là Mục Kiền Liên. Sau đó, Mục Kiền Liên xuất gia tu hành theo Đức Phật và chứng đắc Thánh quả A-la-hán, là đệ tử thần thông bậc nhất trong giáo đoàn của Phật. Sau khi chứng đắc, Ngài nghĩ đến mẹ và rất thương mẹ. Ngài dùng thiên nhãn soi khắp các cõi trong luân hồi xem người mẹ đã mất sinh về đâu. Ngài soi lên cõi Trời, soi ở cõi người nhưng đều không thấy bóng dáng của mẹ. Đến khi soi xuống cõi ngạ quỷ, Ngài thấy mẹ đọa sinh làm ngạ quỷ (tức là quỷ đói), bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, vô cùng đói khát và khổ cực. Biết đó là mẹ của mình, Ngài Mục Kiền Liên rất thương cảm. Ngài đi khất thực, xin được một bát cơm đầy và dùng thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm lên cho mẹ.
Ngài Mục Kiền Liên khi thấy mẹ bị đọa vào ngã quỷ đói khát, khổ cực đã đi khất thực xin cơm và dùng thần thông để xuống dâng cơm lên cho mẹ
Khi chưa mất và đọa làm ngạ quỷ, bà Thanh Đề vốn có bản tính ích kỷ, tham lam. Con là Ngài Mục Kiền Liên đi tu theo Phật, là đại đệ tử của Phật nhưng bà không tin Tam Bảo và nhân quả, bà phỉ báng Tam Bảo và còn làm nhục cả chúng Tăng. Vì bản tính tham lam, ích kỷ ấy nên khi thấy Ngài Mục Kiền Liên xuống dâng cho mình bát cơm, bà rất mừng, nhưng lại sợ những ngạ quỷ xung quanh nhìn thấy, giành mất phần ăn của mình nên bà lấy tay che lại. Không ngờ bát cơm lập tức biến thành than hồng, không thể ăn nổi. Nhìn thấy cảnh khổ của mẹ, Ngài rất đau xót, mặc dù Ngài vận hết thần thông nhưng mẹ vẫn không thể ăn được, bát cơm vẫn cháy rực lên như than hồng. Khi ấy, Ngài biết đó là ác nghiệp của mẹ, Ngài trở về bạch xin Đức Phật chỉ cách cứu mẹ. Khi đó, Đức Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên chờ đến tháng 7 Âm lịch là ngày chư Tăng tự tứ, kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ và cúng dường lên chúng Tăng. Bởi trong 3 tháng này, chư Tăng thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, tinh tấn tu hành trong hòa hợp thanh tịnh nên công đức tu tập rất lớn. Cho nên, Đức Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên chờ đến mùa kết khóa an cư và dâng vật phẩm cúng dường lên chúng Tăng sẽ được phước báu rất lớn. Và phần phước lớn ấy hồi hướng cho mẹ của Ngài thì có thể cứu được bà.
Vâng theo lời Phật dạy, Ngài Mục Kiền Liên tổ chức đại lễ cúng dường Đức Phật và thập phương Tăng nhân ngày tự tứ. Sau khi chư Tăng thọ thực và chú nguyện phần phước báu cúng dường thì lập tức bà Thanh Đề chuyển được ác tâm, thoát kiếp ngạ quỷ và sinh về cõi Trời.
Từ câu chuyện của Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ, để giúp đại chúng hiểu vì sao phước báu cúng dường chư Tăng lại có thể chuyển được ác tâm của bà Thanh Đề, khiến bà thoát khỏi cảnh khổ. Sư Phụ giảng giải: “Thiện tâm hay ác tâm đều có từ trường của nó. Khi một Tăng đoàn thanh tịnh, hòa hợp với nhau thì tạo ra một từ trường rất an lành, khiến cho ác tâm có thể chuyển hóa. Và năng lượng ấy đã giúp cho những tâm ác, bất thiện của bà Thanh Đề được chuyển hóa. Nhờ chuyển tâm như vậy, bà phát khởi được tâm thanh tịnh, tâm Bồ Đề; nên bà thoát được kiếp ngạ quỷ, sinh về Thiên cung. Và không chỉ riêng bà Thanh Đề mà trong ngày hôm ấy, rất nhiều ngạ quỷ cũng được sinh về Thiên cung nhờ công đức mà Ngài Mục Kiền Liên cúng dường thập phương Tăng. Đó là tích truyện trong kinh Vu Lan nói về Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ Thanh Đề thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ đó, kinh Vu Lan cũng được gọi là kinh Báo Hiếu. Và tháng 7 Vu Lan của chúng ta cũng gọi là tháng con cháu nhớ ơn tiên tổ để báo hiếu”.
Như vậy, ngày lễ Vu Lan xuất phát từ tâm hiếu kính của Ngài Mục Kiền Liên – đệ tử thần thông bậc nhất trong Tăng đoàn thời Đức Phật còn tại thế. Nhờ tâm hiếu kính ấy mà ngày nay chúng ta có cơ hội được báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên qua việc thực hành lời Phật dạy trong tháng vu lan báo hiếu.
Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan báo hiếu
Theo góc nhìn của đạo Phật, sau khi bỏ báo thân, tùy theo nhân quả nghiệp báo của mỗi người mà quyết định tâm thức của họ được sinh vào cảnh giới lành hay dữ. Nếu họ tái sinh vào 3 đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì sẽ phải chịu rất nhiều đau khổ,…
Do đó, trong tháng Vu Lan báo hiếu, chúng ta có thể làm những việc thiện lành để cầu siêu phả độ gia tiên, giúp họ thoát khỏi những cảnh khổ đó. Sư Phụ chia sẻ: “Ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan trong tháng 7 này là nhân mùa Tăng chúng kết thúc an cư kiết hạ, chư Phật dạy hàng Phật tử tại gia có tín tâm với Tam Bảo phát tâm đến chùa cúng dường Tam Bảo, chúng Tăng, để lấy công đức phước báu đó hồi hướng cho những người đã quá vãng trong gia tiên quyến thuộc nhà mình. Nhờ phúc báu được hưởng, mà họ được tiêu trừ các nghiệp chướng từ nặng thành nhẹ, từ nhẹ được hết, từ nhẹ được siêu lên. “Siêu lên” không phải là lập tức vong linh được bay lên trời ngay, mà là từ cõi thấp, trong trạng thái rất đau khổ, vong linh được bớt khổ hơn. Có thể là vong linh từ trong địa ngục ngàn vạn năm thì giảm xuống chỉ còn ở trong địa ngục vài trăm năm, vài chục năm; nhẹ nữa thì có thể được ra khỏi địa ngục và tái sinh về cõi khác, có thể sang cõi ngạ quỷ, hoặc về làm súc sinh đỡ chịu khổ hơn. Rồi nhẹ nữa thì từ ngạ quỷ có thể tái sinh lên làm người, hoặc là từ súc sinh thì bỏ thân súc sinh mà tái sinh làm người, hoặc cũng có trường hợp từ ngã quỷ có thể sinh lên cả chư Thiên. Đấy đều được gọi là siêu thăng, “siêu” nhẹ lên, “thăng” là bay lên”.
Bởi tháng 7 Vu Lan là thời điểm công đức tu tập của chư Tăng rất lớn; cho nên nhờ công đức của thập phương Tăng chứng minh, chúng ta cúng dường Tam Bảo nhân dịp này sẽ được phước báu lớn. Lấy phước báu lớn đó hồi hướng cho quyến thuộc đã quá vãng thì họ sẽ được hưởng phước báu đó và nhẹ bớt nghiệp, và có thể siêu sinh về cõi lành.
Các Phật tử thành tâm sắm sửa vật phẩm dâng lên cúng dường Tam Bảo
Không chỉ có vậy, qua mỗi mùa Vu Lan, nhân dân Phật tử lại được Sư Phụ nhắc nhở, chỉ dạy tâm hiếu của mình đối với cha mẹ. Trong lễ Vu Lan, Sư Phụ chỉ dạy: “Hôm nay trong buổi lễ tri ân này, Thầy rất mong mỏi toàn thể Phật tử, điều gần gũi nhất là chúng ta cũng biết thực hành ngay chữ Hiếu với cha, với mẹ của mình. Chúng ta phải yêu thương, trân quý cha mẹ của mình. Vì Thầy nghĩ rằng, chữ Hiếu thì bao la rộng lớn, mà nói rộng lớn quá thì các Phật tử không hiểu hết, không thực hành được. Nhưng Thầy mong muốn một việc rất cụ thể là qua mỗi mùa Vu Lan, các Phật tử lại thấm đẫm chữ Hiếu với cha, với mẹ của mình trước. Chúng ta phải biết yêu thương, kính trọng cha mẹ của mình, vì cha mẹ là duy nhất, chỉ có một trên đời”.
Qua lời chỉ dạy của Sư Phụ chúng ta thấy rằng, lễ Vu Lan không chỉ giúp gia tiên đã mất được bớt khổ trong cảnh giới ác; mà ngày này cũng có ý nghĩa báo hiếu cha mẹ của mình.
Cách báo hiếu cha mẹ trong mùa Vu Lan
#1 Cách báo hiếu cha mẹ còn sống hiện đời
Đặc biệt, Sư Phụ cũng chỉ dạy hàng đại chúng cách báo hiếu cha mẹ còn sống hiện đời đúng Pháp để cha mẹ được lợi ích lớn nhất: “Biếu tiền cha mẹ không khéo thì sẽ làm khổ các cụ. Nên chúng ta phải biết báo hiếu đúng cách. Nếu chúng ta giúp cha mẹ hiểu được đạo lý, quy y Tam Bảo thì đó là điều quý nhất. Vì khi các cụ ra đi, không ai đi cùng các cụ được mà tự các cụ phải ra đi một mình. Khi các cụ biết Phật Pháp thì chính các cụ sẽ tự đứng vững, tự bảo vệ được mình. Chính Phật Pháp là con đường, là cái cây chống đỡ cho các cụ trên bước đường ra đi, giúp các cụ được an lành. Đó là điều quý nhất, là sự báo hiếu khi cha mẹ còn sống”.
Như vậy, ngoài việc chu cấp vật chất đầy đủ và chăm sóc cha mẹ, cách báo hiếu đúng Pháp nhất đó là gieo duyên để cha mẹ kết duyên với Tam Bảo. Khi được học về giáo lý đạo Phật, cha mẹ sẽ có đức tin, chính kiến đúng đắn; đó sẽ là tư lương quý báu khiến cuộc đời cha mẹ được an lành và được thoát khổ.
Phật tử cùng mẹ của mình hân hoan về chùa tu học hàng tháng (ảnh minh họa)
#2 Cách báo hiếu cho cha mẹ đã quá vãng
Trong dịp chia sẻ nhân ngày lễ Vu Lan Báo hiếu, Sư Phụ cũng chia sẻ về cách báo hiếu cha mẹ đã quá vãng: “Đức Phật dạy, chúng ta báo hiếu cha mẹ đã quá vãng bằng cách làm thật nhiều việc phúc thiện, rồi hồi hướng công đức phúc thiện ấy cho cha mẹ. Mà trong kinh Đức Phật dạy rằng, việc đặc biệt nhất là cúng dường Tam Bảo. Vì Tam Bảo là ruộng phước bậc nhất, gọi là đệ nhất phúc điền ở thế gian. Cúng dường vào Tam Bảo sinh nhiều phước báu to lớn nhất. Nếu sau khi cúng dường Tam Bảo, chúng ta đem công đức cúng dường đó hồi hướng cho cha mẹ mình, thì cha mẹ thọ nhận được phước báu ấy và đặc biệt là cha mẹ lại được kết duyên với Tam Bảo. Nếu khi sống, các cụ chưa được kết duyên với Tam Bảo thì khi các cụ mất rồi, chúng ta làm các cúng dường Tam Bảo rồi hồi hướng công đức cho cha mẹ, thì cha mẹ vẫn được phước kết duyên với Tam Bảo. Sau đó, cha mẹ có tái sinh kiếp nào thì cũng sẽ có duyên lành được gặp Tam Bảo và có phước báu. Mà việc có duyên lành với Tam Bảo là rất quý”. Vậy ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan cũng là báo hiếu cha mẹ quá vãng của mình bằng cách cúng dường Tam Bảo, cầu siêu và hồi hướng công đức đó cho cha mẹ; từ đó cha mẹ có phước mà được siêu độ.
Phật tử nhí về chùa dâng hoa cúng dường Tam Bảo trong ngày tu học Bát quan trai
Mong rằng qua những lời chia sẻ sâu sắc của Sư Phụ, lễ Vu Lan sẽ là dịp để mỗi người thắp được trong tâm mình ngọn nến hiếu hạnh, tâm thường nhớ nghĩ, trân quý và hiếu kính với cha mẹ của mình. Là một người con, bổn phận của chúng ta là phải báo hiếu cha mẹ và cách báo hiếu đúng Pháp là chúng ta giúp cha mẹ quy y Tam Bảo, thọ trì giới Pháp của Phật, hướng dẫn cha mẹ biết bỏ tham, biết bố thí, biết tu tập các Pháp của Phật. Còn đối với cha mẹ và gia tiên đã quá vãng, chúng ta cũng thực hành được tâm hiếu bằng cách cúng dường Tam Bảo, làm việc thiện lành để hồi hướng công đức, phước lành cho người thân đã mất của mình. Hy vọng mùa Vu Lan tháng 7, ngọn nến hiếu hạnh của chúng ta sẽ sáng mãi và trường tồn trên mọi nẻo đường của thế gian.
Hạnh Duyên