Hàng năm vào ngày 20/8 âm lịch tại Nhà thờ Tổ Dòng họ Trần xã Hải Phúc diễn ra lễ giỗ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương, Trần Quốc Tuấn. Đây là dịp dòng họ tổ chức để tưởng nhớ công ơn của Tổ tiên. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 720 năm ngày mất, Ban Thường trực Dòng họ tổ chức lễ kỷ niệm với đầy đủ nghi lễ, nghi thức như: Tổ chức các đội tế nam, tế nữ, cúng lễ theo phong tục truyền thống của địa phương..đã được đông đảo con cháu, dâu, rể trong dòng họ Trần Đại tộc tham dự.
Lễ kỷ niệm 720 năm ngày mất Trần Hưng Đạo, ảnh Trần Ngọc Thăng
Kỷ niệm 720 năm ngày mất của Đức Thánh Trần, lễ giỗ được tổ chức năm nay được thực hiện với những nghi thức cúng tế truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, đã được gìn giữ từ đời này sang đời khác tại dòng họ. Trong nghi thức chính lễ, với sự chủ trì của Trưởng họ Trần Quang Tạo, con cháu đã cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của một vị tướng tài, người anh hùng kiệt xuất của dân tộc đồng thời dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ Đức Thánh Trần. Cũng theo nghi thức truyền thống, những lễ vật dâng cúng sau đó được chia lộc thánh.
Trưởng họ Trần Quang Tạo cùng Ban Thường trực dòng họ thực hiện nghi lễ, ảnh: Trần Ngọc Thăng
Cùng dịp này, nhiều nơi trong cả nước đều tổ chức lễ cúng tưởng nhớ đến Đức Thánh Trần như: Đền Trần (thành phố Nam Định); Khu di tích Kiếp Bạc (Hải Dương); một số nhà thờ tại khu vực phía Nam..
Hưng Đạo Vương, Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, thông kim bác cổ, văn võ song toàn. Cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Đạo Đại Vương gắn liền với chiến tích đánh thắng quân Nguyên Mông.
Trưởng họ Trần Quang Tạo cùng con cháu trong dòng họ thực hiện các nghi lễ cúng Đức Thánh Trần, ảnh: Trần Ngọc Thăng
Vào thế kỷ 13, quân Nguyên Mông ba lần xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến lần thứ nhất (năm 1258), Hưng Đạo Đại vương được giao quyền tiết chế, chỉ huy các tướng bảo vệ biên giới. Cuộc kháng chiến lần hai (năm 1285) và lần ba (năm 1288), ông được vua Trần phong chức Quốc Công tiết chế tổng chỉ huy quân đội. Tháng 8 năm 1284, ông tổ chức duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, sau đó cử quân sỹ đi trấn giữ các vùng Bình Than, Chi Lăng…rồi về lập đại bản doanh, xây dựng căn cứ quân sự liên hoàn và lập phòng tuyến chống giặc ở Vạn Kiếp. Với tài thao lược xuất chúng, Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo đã viết “Hịch tướng sĩ” để khích lệ tinh thần yêu nước, căm thù giặc, ý chí chiến đấu, quyết tâm diệt giặc cho tướng sĩ, phát huy sức mạnh tổng lực của thế trận chiến tranh nhân dân, lập nên những chiến công vang dội ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Vạn Kiếp… và cuối cùng là trận Bạch Đằng Giang lừng lẫy, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Nguyên Mông, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ quốc gia.
Chiến thắng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và quân đội nhà Trần đã đánh dấu chấm hết thời kỳ đỉnh cao của quân Nguyên - Mông trong lịch sử. Công lao to lớn này đã đưa ông lên hàng thiên tài quân sự và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần.
Đội tế nữ thực hiện nghi lễ cúng trong lễ giỗ Đức Thánh Trần
Kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi, Hưng Đạo Đại vương cùng phu nhân về sống những năm tháng thanh bình tại tư dinh Vạn Kiếp. Tại đây, ông đã soạn sách đúc kết những kinh nghiệm quý báu, bí quyết đánh giặc giữ nước truyền lại cho hậu thế.
Hưng Đạo Đại vương luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân; hết lòng chăm lo vun đắp mối đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng xây dựng bộ máy chính quyền trung ương tập quyền đoàn kết, vững chắc; xây dựng được lực lượng quân sự hùng mạnh với những vị tướng tài ba như: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và những gia thần, môn khách nổi tiếng như: Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão... Ông là tấm gương sáng về nhân cách, đức độ và khí phách của bậc quân vương, là bậc đại nhân, đại trí, đại đức, đại dũng, đại nghĩa.
Do có công lao to lớn với dân tộc, Hưng Đạo Đại vương được vua Trần tiến phong, gia phong “Thượng Phụ, Thượng Quốc Công”, cho lập đền thờ khi còn sống ngay tại phủ đệ Kiếp Bạc; được Thượng hoàng Trần Thánh Tông đích thân soạn văn bia ca ngợi công đức.
Ngày 20.8 năm Canh Tý (1300), Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn mất tại Vạn Kiếp. Triều đình đã tôn phong ông là Thái sư Thượng phụ, Thượng Quốc Công, Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương. Nhân dân Đại Việt tôn ngài là Cửu Thiên Vũ Đế Đức Thánh Trần, lập đền thờ tưởng nhớ công lao ngay trên nền vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc.
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã để lại tư tưởng trị nước có giá trị về nhiều mặt và tầm vóc vượt thời đại, là nền tảng tinh thần bền vững cho sự phát triển của đất nước. Vì thế, Hưng Đạo Đại vương đã ngự trị trong tâm thức của nhân dân Đại Việt là một người cha, một vị thánh.
Trải qua hơn 7 thế kỷ, đến nay tư tưởng giữ nước lấy dân làm gốc cùng tri thức quân sự, cách dùng người, lòng trung quân ái quốc của Hưng Đạo Đại vương vẫn là bài học sâu sắc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Hàng năm vào ngày 20.8 tại nhà thờ Dòng họ Trần xã Hải Phúc đều diễn ra lễ tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với nhiều nghi lễ và hoạt động đặc sắc. Các hoạt đồng này diễn ra góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của con cháu về lòng biết ơn đến Tổ tiên, biết ơn các lớp hậu duệ đi trước đã có công trong việc bảo vệ Đất nước. Không những vậy, hoạt động này đem lại giá trị văn hóa, quảng bá di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Tổ đã được nhà nước công nhận từ năm 2009 góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.