Hải Hậu là miền đất được khai thác sau cùng của tỉnh Nam Định. Đầu thế kỷ thứ XV, đất Hải Hậu chưa có địa danh, khi ấy Sơn Nam Hạ bao gồm: Nam Định, Thái Bình và một phần Hưng Yên. Một phấn bãi bồi ven biển của Sơn Nam Hạ ở cửa sông Hồng phía trên là Hải Tiền (Tiền Hải, Thái Bình) còn phía dưới là Hải Hậu (Hải Hậu, Nam Định). Có một nơi mà người xưa đặt chân lên vùng đất bồi ấy chính là Lạch Lác. Theo tư liệu trong các tộc phả còn lưu giữ thì sau khi Tướng công Trần Nguyên Hãn chết, dòng họ Trần ở Tức Mạc đã đổi họ, thay tên và phiêu bạt khắp nơi. Hậu duệ (Đời thứ 8) của Quốc công Trần Quốc Tuấn đổi tên thành Nguyễn Sùng đưa con cháu xuống vùng biển này lập nghiệp. Cháu của cụ Nguyễn Sùng là Quý Lịch rời đến Nhượng Đông (Nay đổi thành Tương Nam), huyện Tây Chân sinh sống. Con của cụ Quý Lịch là Quốc Hiến (Trần Quốc Hiến) đã tìm đến bãi bồi Lạch Lác.

Cổng chào huyện Hải Hậu đặt ngay đầu huyện khi di chuyển qua cầu Lạc Quần

Trong Trần tông ngọc phả ghi: “Bấy giờ nơi ấy năn lác, cỏ cây rậm rạp, bãi hoang không một bóng người. Nước lên thì cá bơi, hạc lượn. Nước rút thì rắn mòng làm tổ, còn đống đất bãi thì trải dài đến chân sóng”. Cụ Quốc Hiến nhận ra nơi đây: “Đất đai mầu mỡ trải rộng, gò rồng vươn lên phía Bắc, đầm nước thuận chảy từ phía Đông, chân nguồn ngon sóng đẹp đất làm ăn…” nên đã huy động họ hàng thân thích đến Lạch Lác khai phá. Sự chưa thành thì cụ qua đời, con cụ là Trần Vu tiếp tục khai khẩn đất đai.
Khi nhà Lê minh oan cho Trần Nguyên Hãn, Trần Vu được phong làm Dinh điền phó sứ. Cụ Trần Vu cùng các cụ Vũ Chi, Hoàng Gia và Phạm Cập kết làm anh em, đưa vợ con, họ hàng xuống Lach Lác, mộ thêm dân li tán về lập nhiệm sở khẩn khoang trên bãi bồi ở Cồn Ấp (Nay là khu Bồ Đề, phía Bắc chợ Lương). Với bao mồ hôi và công sức, các cụ đã đắp xong con đê đoạn từ cầu Yên Định đến bến đò Ninh Cường, là đoạn đê Hồng Đức còn ghi trong sử sách.

Cầu ngói Hải Anh, Hải Hậu Nam Định

Từ Cồn Ấp sơ khai đến đến đầu thế kỷ thứ XVI đã thành Quần Cường Ấp đông vui. Tên Quần Cường nói lên ý chí kiên cường, quả cảm của người lấn biển lập nghiệp ở Hải Hậu. Địa danh Quần Cường được ghi vào sổ danh bạ của triều nhà Lê. Đến năm Hồng Thuận thứ 2 (1511) Vua Lê Tương Dực đã chuẩn phê cho Quần Cường thành xã Quần Anh thuộc tổng Kim Giả huyện Tây Chân. Sang đến triều Nguyễn, vì kiêng húy vua Tự Đức đã đổi Quần Anh thành Quần Phương.

Vùng đất Hải Hậu còn được nhiều người có công khai phá, vì thế các địa danh của Hải Hậu cứ nối tiếp xuất hiện. Vùng đất phía Đông có các cụ họ Mai quê ở Quần Mông (Giao Thủy), họ Đinh quê ở Kiên Lao, họ Lê ở Hội Khê, họ Nguyễn ở Cẩm Hà đến khai phá đã tạo ra đất Kiên Trung. Tiếp theo là cụ Quốc Thể quê ở Cát Chử cùng các con rể là: Hương cống Phạm Kim Lam và Vũ Duy Hòa (Quê: Mộ Trạch Đường An, phủ Hồng Hà, Hải Dương) đã tổ chức khai hoang bãi bồi bên hữu ngạn sông Sò lập ra làng Hà Lạn có 8 thôn: Phương Đông, Phương Đoài, Trung Tự, Thượng Phúc (Nay là xã Hải Phúc), Trung Lương, Phúc Thụy (Xã Hải Hà), Phúc Tự (Xã Hải Thanh), Phúc Lộc (Xã Hải Lộc).

Đoàn rước dòng họ Trần Quốc Thể đi qua UBND xã Hải Phúc

Còn miền đất phía Tây vào thế kỷ thứ XVIII có cụ Cao Hy cùng con là Phúc Kiến, cháu là Vĩnh Tinh đến khẩn khoang lập ra đất An Nhân. Sang thế kỷ thứ XIX Uy Viễn Nguyễn Công Trứ cũng mộ dân đến đây lập ra vùng đất mới Cửu An, Nhất Phúc (Cửu An là 9 làng An, Nhất Phúc là làng Phúc Hải). Năm 1864, Tiến sĩ Đỗ Tông Phát người làng Quần Phương được phong Dinh Điền phó sứ (Sau là Dinh Điền sứ) đã mộ dân xuống vùng bãi bồi phía Đông Nam để lấn biển lập lên vùng đất Quế Hải, Tân Khai.

Người Hải Hậu đã đổ mồ hôi, công sức khai khẩn bãi bồi ven biển tạo ra nhiều địa danh mới, một vùng đất phì nhiêu, trù phú, đồng cói bát ngát, bãi dâu xanh thẳm, vựa muối trắng ngần…Với bàn tay và khối óc, người dân đã tạo ra nhiều địa danh xóm làng, thôn xã cùng những bãi sông, bến đò, lập ra những phiên chợ đông vui, sầm uất như: Chợ Đông Biên (Tháng 6 phiên), chợ Lương (Hải Anh), chợ Thượng Trại (Hải Phú) họp vào ngày lẻ âm lịch, chợ Cồn (Thị trấn Cồn) họp vào ngày chẵn âm lịch. Dựng lên những ngôi chùa như: Phúc Lâm tự (Chùa trăm gian), chùa Phúc Sơn, chùa Phúc Hải, chùa Quy Hồn. Dựng đền xây miếu thờ Thành Hoàng, thờ người có công mở mang khai khẩn, giúp dân đến sinh cơ lập nghiệp.

Vùng đất (Hải Hậu) sau nhiều năm khai phá ngày thêm trù phú, dân đến thêm đông đúc. Đến ngày 27 tháng 12 năm 1888, Mậu Tý niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 thì địa danh Hải Hậu chính thức được thành lập. Ban đầu huyện gồm 4 tổng (Có 2 tổng trước thuộc huyện Chân Ninh xưa là Tây Chân) là Quần Phương và Ninh Nhất. Còn tổng Kiên Trung trước thuộc huyện Giao Thủy và vùng đất mới đặt tên là tổng Tân Khai:

1. Tổng Quần Phương gồm: Quần Phương Thượng, Quần Phương Trung, Quần Phương Hạ và Phương Đê.

2. Tổng Ninh Nhất (Đất Cửu An, Nhất Phúc) gồm: An Nhân, An Nghiệp, An Trạch, An Đạo, An Nghĩa, An Phú, An Lễ, An Phong, An Lạc và Phúc Hải.

3. Tổng Kiên Trung gồm: Kiên Trung, Hà Lạn, Lạc Nam, Trà Trung, Trà Hạ, Hà Quang và Hội Khê.

4. Tổng Tân Khai gồm: Văn Lý (Văn Quán), Hòa Định, Kiên Trinh, Tang Điền Xương Điền (Đất mới khai khẩn). Sở lỵ của huyện đặt tại thôn Đông Cường xã Quần Phương Hạ.

Sau hơn một năm thành lập, Hải Hậu lại có thêm 2 tổng mới đó là: Tổng Ninh Mỹ và Quế Hải (Quế Phương). Tổng Ninh Mỹ gồm: Ninh Mỹ, Phú Lễ, Phú Văn Nam, Quỳnh Phương Lý, Lục Phương Lý, các trại: Quần Phương Thượng Trại, Quần Phương Trung Trại. Quần Phương Hạ Trại. Tổng Quế Hải gồm: Quế Phương, Liên Phú, Doanh Châu, Thanh Trà, Trung Quang, Trùng Phương.

Sang đầu thế kỷ thứ XX, người dân Hải Hậu tiếp tục lấn biển, lập thêm những làng mới như: Xuân Thủy, Xuân An, Xuân Đài, Hoàng Mai, Cồn Tròn.

Địa danh Hải Hậu từ năm 1916 đến Cách mạng tháng tám năm 1945 hầu như không thay đổi dù có tăng thêm vài trại, ấp mới do vẫn tiếp tục quai đê lấn biển. Sau thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cấp tổng bị xóa bỏ, nhiều thôn xã, làng ấp hợp thành xã mới. Đến năm 1948, Hải Hậu có 19 xã, trong đó có 5 xã mang tên các danh nhân là: Hưng Đạo, Quang Trung, Ái Quốc, Minh Khai, Phan Chu Trinh. 14 xã cong lại là: Quần Anh, Quần Phương, Trung Nam, Hải Nam, Tân Anh, Tân Hưng, Xuân Phương, Liên Tiến, Liên Phương, Tứ Mỹ, Hải Châu, Phú Ninh, Phúc An và An Ninh.

Ngày 15 tháng 10 năm 1952, các địa danh của Hải Hậu có sự thay đổi, xã lớn chia ra, xã nhỏ giữ nguyên, rồi đổi tên. Tên các xã đồng loạt lấy chữ Hải làm đầu, chữ sau tùy chọn cho phù hợp. Cụ thể: 

- Xã Hưng Đạo chia làm 3 xã mới: Hải Hà, Hải Phúc, Hải Lộc. 
- Xã Phan Chu Trinh chia thành: Hải Hưng, Hải Vân. 
- Xã Ái Quốc đổi thành xã Hải Thanh. 
- Xã Quang Trung thành xã Hải Quang. 
- Xã Quần Anh chia thành: Hải Anh, Hải Đường. 
- Quần Phương chia thành: Hải Phương, Hải Bắc. 
- Xã Nam Trung thành: Hải Trung, Hải Long, Hải Sơn. 
- Liên Tiến thành Hải Xuân, Hải Hòa. 
- Liên Phương thành: Hải Phú, Hải Cường. 
- Xã Hải Châu chia thành: Hải Châu, Hải Thịnh. 
- Xã Tứ Mỹ thành: Hải Chính, Hải Triều. 
- Phú Ninh thành: Hải Ninh, Hải Giang. 
- Xuân Phương thành: Hải Tây, Hải Đông. 
- An Ninh thành: Hải An, Hải Toàn. 
- Phúc Anh thành: Hải Phong. 
- Xã Tân Anh thành Hải Tân. 
- Tân Hưng thành Hải Lý. 
- Chỉ còn xã Hải Nam là giữ nguyên tên cũ.

      Năm 1976 huyện Nam Trực nhập với huyện Trực Ninh thì 6 xã phía nam của huyện Trực Ninh là: Trực Đại, Trực Thắng, Trực Cường, Trực Phú, Trực Thái, Trực hùng nhập về huyện Hải Hậu. Đến năm 1997 theo Nghị định 19/NĐ-CP ngày 20 tháng 2 năm 1997 của Chính Phủ, lại tách các xã này trả về Trực Ninh. Hiện nay Hải Hậu có 35 đơn vị hành chính xã gồm 3 Thị trấn và 32 xã.
      Trong kháng chiến chống Pháp, Hải Hậu có những chiến thắng oai hùng như: Trận Cầu Đôi, trận Đông Biên….Trong chiến tranh chống Mỹ, Hải Hậu lại có nhiều đơn vị sản xuất giỏi, chiến đấu tài, đã có hơn 3.000 chiến sỹ lên đường ra mặt trận. Xã Hải Thịnh được tuyên dương là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Dân quân Hải Hậu đã bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay, tầu chiến hiện đại của Mỹ. Hình ảnh cô dân quân kéo xác máy bay Mỹ trên bờ biển Hải Hậu không phai mờ trong lòng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
      Nay Hải Hậu không chỉ có Chùa Lương, Cầu Ngói….là những di tích lịch sử của người xưa mà ta còn có đền liệt sĩ, nhà bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa trung tâm, khu thể thao rồi bãi tắm Thịnh Long, cảng biển Hải Thịnh.
      Trên 500 năm mở đất quai đê lấn biển, người dân Hải Hậu đã tạo nên hàng trăm địa danh hào hùng. Hải Hậu có những danh nho như Đỗ Tông Phát, Bùi Thúc Trinh, Lê Trọng Hàm, Trần Duy Vôn, những chiến sĩ cộng sản kiên cường như: Vũ Văn Hiếu…Những nhà văn: Nguyễn Thi, Đào Hồng Cẩm…Cùng biết bao người khác đã tô thắm cho địa danh Hải Hậu. Công lao của họ đã hòa vào nhịp thở của Tổ Quốc trong mọi thời đại. Đất Hải Hậu đã sinh ra những con người cần cù trong lao động, dũng cảm kiên cường trong lao động và bảo vệ đất nước. Hơn 40 năm qua từ 1978 đến nay, Hải Hậu luôn là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng văn hóa cơ sở toàn quốc, chính vì vậy, địa danh Hải Hậu càng thêm thắm tươi giữa đất trời của tổ quốc Việt Nam tươi đẹp./.