Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng trong cuộc chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn chỉ là một tướng trẻ, chưa thể trực tiếp cầm quân chỉ huy, và những người có công lớn nhất chính là tướng Lê Tần và Thái sư Trần Thủ Độ. Tuy nhiên, những ghi chép trong cuốn “Đông A di sự” lại cho thấy một việc hoàn toàn khác. Cuốn sách này không chỉ hé lộ về nội tình của nhà Trần mà còn trả lại năm sinh cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, điều từng gây tranh cãi trong giới những người yêu thích tử vi ở Việt Nam.

Đông A di sự” là một cuốn sách cổ do Trần Triều Bình Chương Quốc Sư, Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán chắp bút. Cuốn sách cổ này là một tư liệu quý, do chính người trong dòng tộc nhà Trần ghi chép lại từng chi tiết về các sự kiện của triều đại nhà Trần. Chính vì thế, nó là nguồn sử liệu lý giải cho những diễn biến quan trọng của nhà Trần từ góc nhìn của những người trong cuộc.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại Nam Định

Tượng đài Quốc Công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại thành phố Nam Định

Theo “Đông A di sự”, người có công lớn nhất trong cuộc chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất, không ai khác, chính là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Dù không được trực tiếp cầm quân, nhưng mọi tính toán chiến lược, đường đi nước bước đều do chính Trần Quốc Tuấn đề ra kế hoạch. Nhưng trước tiên, để hiểu được tại sao những sự việc này không được ghi chép lại trong chính sử, chúng ta phải nhìn lại bối cảnh của người anh hùng Trần Quốc Tuấn.

Câu chuyện mối hiềm khích trong nhà Trần
Trong lịch sử triều đại nhà Trần vào giai đoạn đầu, người nắm thực quyền không phải là vua, mà là thái sư Trần Thủ Độ, người đã ép Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh mới 8 tuổi, từ đó lập ra nhà Trần. Quyền lực thực chất nằm trong tay Trần Thủ Độ cho đến khi ông mất vào năm 1264.

Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông, phong Lý Chiêu Hoàng là Chiêu Thánh hoàng hậu. Năm 15 tuổi, hoàng hậu sinh hoàng tử Trần Trịnh nhưng không may Trần Trịnh chết yểu. Sau đó hoàng hậu không thể mang thai lại được nữa.

Năm 1237, vua Trần Thái Tông mãi vẫn chưa có con, điều này khiến nhiều tôn thất nhà Trần lo lắng hậu vận nhà Trần không có người nối dõi. Lúc này anh ruột của Trần Thái Tông là Trần Liễu có vợ là bà Thuận Thiên đang có thai 3 tháng. Trần Thủ Độ liền ép bà Thuận Thiên phải làm vợ của vua Trần Thái Tông, tức ép vua phải lấy chị dâu đang mang thai. Sự việc này khiến nhà vua và anh mình là Trần Liễu đều phản đối kịch liệt không tuân thủ theo.

Nửa đêm Trần Thái Tông cùng hai cận thần trốn nên núi Yên Tử, gặp Quốc sư Phù Vân là bạn của mình, ngỏ ý muốn nương nhờ cửa Phật. Quốc sư trả lời rằng: “Trên núi không có Phật, mà Phật ở ngay trong tâm ta”.

Lúc này Trần Thủ Độ dẫn quân tìm vua và cuối cùng gặp được nhà vua trên núi Yên Tử. Thấy nhà vua nhất quyết không chịu trở về cung, Trần Thủ Độ nói rằng: “Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó”, rồi ra lệnh xây ngay cung điện trên núi Yên Tử. Quốc sư Phù Vân phải khuyên vua trở lại kinh thành và Trần Thái Tông đành đồng ý.

Trần Liễu uất ức vì bị mất vợ, nhân lúc Trần Thủ Độ dẫn quân đi tìm vua liền đem quân của mình đến đánh chiếm kinh thành. Thế nhưng Trần Thủ Độ vốn có rất nhiều kinh nghiệm, nên khi dẫn quân đi tìm vua đã đề phòng có biến, dặn dò sắp đặt trước mọi việc cho các tướng lĩnh giữ thành. Vì thế quân Trần Liễu chưa kịp tới kinh thành thì đã bị bao vây.

Không đủ sức chống lại quân triều đình, Trần Liễu bỏ chạy. Biết rằng khó thoát tội chết, lại nghĩ rằng bây giờ chỉ có em mình là vua Trần Thái Tông mới cứu được mình, liền hẹn vua ở sông Cái, rồi đem thân đầu hàng. Tới khi gặp Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông đem thân mình che chở bảo vệ cho anh khiến Trần Thủ Độ không làm gì được.

Trần Thủ Độ tức lắm ném gươm xuống sông và nói: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?”. (Xem bài: Lý giải tường tận con người Trần Thủ Độ qua xuất thân và lá số tử vi)

Trần Liễu được tha nhưng quân tướng đi theo ông thì bị xử tội chết hết cả. Thân tín của ông là Trần Hiến đem toàn quân của phủ An Sinh Vương tiến đánh phủ Thái sư Trần Thủ Độ cũng thất bại. Hai vợ chồng Trần Hiến cùng toàn bộ binh tướng của An Sinh Vương Trần Liễu đều bị xử chém.

Đội quân tinh nhuệ bậc nhất lịch sử cùng lời trăn trối
Chỉ một mình An Sinh Vương Trần Liễu thoát chết, còn tất cả những ai theo ông đều chết cả, vì thế ông rất yêu thương con cái của những thuộc tướng trung thành với mình. Ông đưa con trai và con gái của Trần Hiến là Trần Tử Đức và Trần Ý Ninh về Ngũ Yên nuôi nấng, yêu thương chăm sóc như con đẻ, con cái của những người khác cũng được ông xem như người một nhà.

Nhận thấy cuộc binh biến của mình thất bại phần lớn là do quân không tinh nhuệ bằng cấm quân của triều đình và quân của Trần Thủ Độ, nên Trần Liễu đã tìm những người giỏi võ công nhất truyền lại cho con cái những người từng theo mình, lập thành một đội gia binh, nhưng thực chất là đội quân thiện chiến, đặt tên là Ngũ Yên. Ông đặc biệt chú ý tới những đứa trẻ con cái của những thuộc tướng trung thành đã vì mình mà mất.

Với ý định phục thù, Trần Liễu đã xây dựng đội quân Ngũ Yên ngày càng hùng mạnh, hầu hết đều được học võ từ tấm bé đến tận khi trưởng thành, võ công nhiều người đều ở mức thượng thừa.

Trần Liễu từ sớm cũng cho con trai của mình là Trần Quốc Tuấn đến kinh thành Thăng Long ăn học ở nhà em gái là Thụy Bà công chúa, tìm thầy giỏi về dạy học cho Trần Quốc Tuấn. Ngay từ thời trẻ, Trần Quốc Tuấn đã giỏi võ và thông thạo binh pháp. Trần Liễu hy vọng rằng Trần Quốc Tuấn có trong tay đội quân tinh nhuệ Ngũ Yên sẽ phục thù được cho mình.

Theo một số ghi chép trong sử Việt, thì chưa có một đội quân nào được tinh nhuệ như quân Ngũ Yên. Chỉ huy đội quân này là Trần Tử Đức cùng em gái là Trấn Y Ninh và vợ là Bùi Thiệu Hoa cùng các tướng lĩnh khác. Họ đều là những tướng vô cùng thiện chiến, cũng là những dũng tướng đóng góp cực lớn cho cuộc chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất (Xem bài: Sinh vi tướng, tử vi thần: Lời tiên đoán về những vị anh hùng chống quân Mông Cổ lần thứ nhất).

Năm 1251 An Sinh Vương Trần Liễu qua đời, đã trăn trối với Trần Quốc Tuấn rằng: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”

Những tranh cãi về vị trí Tiết chế – Tổng chỉ huy quân đội
Khi quân Mông Cổ chiếm được Đại Lý, chuẩn bị đưa quân tiến đánh Đại Việt, thì triều đình nhà Trần cũng sôi động bàn kế chuẩn bị đối đầu với đội quân hiếu chiến bậc nhất này. Nhiều tướng quân đề xuất với vua Trấn Thái Tông cần phải có một người giữ chức Tiết chế, để chỉ huy toàn quân đối phó với giặc, mà chức Tiết chế hiện chưa có ai đảm nhiệm.
 
Qua các phiên thiết triều, các tướng đều thấy rằng vị trí Tiết chế này chỉ có Trần Quốc Tuấn là người xứng đáng đảm đương nhất, vì thế nhiều tướng đề cử Trần Quốc Tuấn vào vị trí này. Tuy nhiên người nắm giữ quân đội và cũng là người có thực quyền lớn nhất trong triều là thái sư Trần Thủ Độ đã không đồng ý.
 
Trần Thủ Độ lo lắng rằng Trần Quốc Tuấn thực hiện lời trăn trối của cha, nếu nay giữ chức Tiết chế binh mã thì sẽ nhân cơ hội cướp ngôi vua, vì thế mà ông ta cùng các tùy tướng không đồng ý.
 
Cuối cùng, trong một phiên thiết triều, trước yêu cầu của tướng lĩnh, vua Trần Thái Tông đã phải đồng ý phong Trần Quốc Tuấn làm Tiết chế. Tuy nhiên vua chỉ tuyên bố, nhưng chưa ban chiếu chỉ cũng như kiếm báu Tiết chế.
 
Bên cạnh đó, bởi vì trong lịch sử không hề có ghi nhận Trần Quốc Tuấn chỉ huy bất kỳ một trận đánh nào trong cuộc chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất, nên các nghiên cứu lịch sử cho rằng vào cuộc chiến này, Trần Quốc Tuấn còn là tướng trẻ, chỉ tham gia cuộc chiến chứ không trực tiếp cầm quân.
 
Thực ra, Trần Quốc Tuấn đúng là đã lĩnh chức Tiết chế. Đại Việt Sử Ký Toàn thư chỉ có một chi tiết ghi chép rằng: “Tháng 9 (năm 1257), xuống chiếu, lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn”. 
Lúc đầu, quả thật chức Tiết chế chỉ là trang trí cho đẹp
Tại sao lúc đó Trần Quốc Tuấn vẫn nhận được chức Tiết chế trong khi không có thực quyền? Đó không chỉ là để đối phó với sự yêu cầu của tướng lĩnh. Trong cuốn “Đông A di sự” có ghi chép câu chuyện về Vũ Thành Vương đã tiết lộ điều này.
 
Trước khi bà Thuận Thiên bị ép gả cho vua Trần Thái Tông, thì đã có người con với Trần Liễu là Trần Doãn, sau được phong là Vũ Thành Vương, là em cùng cha khác mẹ với Trần Quốc Tuấn.
 
Năm 1248, Thuận Thiên hoàng hậu mất. Năm 1251, Trần Liễu cũng qua đời. Cảm thấy không còn cha mẹ nương tựa và thất thế, Vũ Thành Vương đem gia tộc hơn 1.000 người trốn sang nước Tống, nhưng bị người Tống bắt đem trả lại cho Đại Việt.
 
Nhà vua hỏi Vũ Thành Vương rằng:
 
– Người là con của Hiển Từ thái hậu sinh ra, tước phong tới vương, được trong đãi, thế sao lại bỏ nươc trốn đi?
 
– Bỏ nước, bỏ mồ mả tổ tiên, bỏ quê hương, bỏ người thân, lưu lạc xứ người, hỏi mấy ai muốn? Từ khi phụ vương băng, anh em thần gạt bỏ hết những thù hận từ tiên vương, để trung thành, bảo vệ vương triều. Nhưng anh em thần vẫn bị nghi ngờ. Từ xưa đến giờ, phàm vua nghi ngờ bầy tôi thì có hai việc xảy ra. Một là bầy tôi sẽ bị giết, hoặc bầy tôi làm loạn để tự tồn. Thần không đủ can đảm phản bệ hạ, nên phải trốn đi.
 
– Ta nghi ngờ người? Người bịa đặt ra như vậy sao?
 
– Bệ hạ thử đặt mình vào hoàn cảnh anh em thần thì thấy ngay. Buổi thiết đại triều trước đây đã nghị trao cho Hưng Đạo Vương làm Tiết chế quân mã. Thế nhưng từ hồi ấy đến giờ chiếu chỉ vẫn chưa ban ra. Bệ hạ phong cho Hưng Đạo Vương lĩnh Tiết chế. Cái danh Tiết chế chỉ để trang trí cho đẹp. Quyền của Tiết chế ra sao? Bốn hạm đội, hiệu Kỵ binh, hiệu Ngưu binh, ba hiệu bộ binh của Ngũ Yên sẵn sàng cho triều đình sử dụng. Còn quân của triều đình thì vẫn có Phụ quốc thái úy chỉ huy. Trên Phụ quốc thái úy còn Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sứ. Thì ra Hưng Đạo Vương lĩnh chức Tiết chế để đem lực lượng Ngũ Yên trao cho triều đình.
 
Vương khẳng khái nói lớn:
 
– Triều Lý đã có Kiến Hải Vương Lý Dương Côn chạy sang Cao Ly; Lạng Châu Công Lý Long Phi chạy sang Mông Cổ; Phò mã Thủ Huy, công chúa Đoan Nghi chạy sang Mông Cổ; gần đây Kiến Bình Vương Lý Long Tường cũng ra đi. Tất cả những vị đó đều bị oan khuất, các người không muốn chống lại triều đình, muốn ẩn thân cho toàn tính mạng, mà thấy không yên… Nên phải xuất ngoại. Nay thêm thần, thì cũng là sự thường.
 
Trần Thủ Độ muốn xử tội, nhưng vua Trần Thái Tông tìm cách tha cho Vũ Thành Vương. Từ câu đối đáp của Vũ Thành Vương cho thấy rằng triều đình phong cho Trần Quốc Tuấn làm Tiết chế được lợi lớn vì tiếp quản và sử dụng đội quân tinh nhuệ Ngũ Yên, nhưng người nắm trong tay toàn quân đội nhà Trần vẫn là Thái sư Trần Thủ Độ, chức Tiết chế của Trần Quốc Tuấn chỉ là “trang trí cho đẹp”. Và vua Trần Thái Tông vẫn chưa ban chiếu chỉ hay trao kiếm báu Tiết chế.
 
Lúc đầu, chức Tiết chế đúng là chỉ để trang trí cho đẹp. Nhưng những sự việc diễn ra sau đó mới là điều không được ghi chép lại trong chính sử.

(Hết phần 1)

Trần Hưng theo Tri thức trẻ