Có 2 thực tế mà ai cũng biết, những người mang cùng một họ, như họ Nguyễn chẳng hạn, chưa chắc đã là đồng tông. Ngược lại, có những người hiện nay mang họ khác nhau nhưng rất có thể họ lại vốn có chung một ông tổ. Thí dụ, người ta biết rằng cho đến đầu năm 1998, tại 25 tỉnh thành có họ Mạc cư trú lâu đời đã có những chi đổi sang các họ sau đây: Bế, Bùi, Bùi Đăng, Bùi Đình, Bùi Thái, Bùi Trần, Cát, Chử, Doãn, Đào, Đặng, Đoàn, Đỗ, Hoa, Hoàng, Hoàng Đăng, Hoàng Đình, Hoàng Đức, Hoàng Khắc, Hoàng Như, Hoàng Trung, Hồ Đăng, Huỳnh, Khổng, Lê, Lê Đăng, Lều, Lều Vũ, Nông, Nguyễn, Nguyễn Công, Nguyễn Phương, Nguyễn Trọng, Phạm, Phạm Bá, Phạm Hữu, Phạm Trọng, Phạm Văn, Phạm Viết, Phan, Phan Đăng, Phan Đình, Phan Hữu, Phan Sĩ, Phan Văn, Phan Xuân, Thạch, Thái, Thái Doãn, Thái Dung, Thái Khắc, Thái Văn, Trần, Vũ Như, Vũ Tiến, Vũ Trọng…Thay đổi họ là điều thường xảy ra ở VN, do sợ bị bức hại, do được ban quốc tính (họ vua), đo đi làm con nuôi….

Nhiều khi căn cứ vào gia phả người, người ta biết được những hiện tượng trên. Vậy gia phả là gì? Gia phả (hay gia phổ) là tài liệu ghi chép liên tục đời này tiếp đời khác tất cả tên tuổi, phần mộ, ngày giỗ của tổ tiên, con cháu của một nhà, một họ hay một dòng vua theo một hệ thống trên dưới, trưởng thứ, nội ngoại nhất định. Gia phả khác với sử (thí dụ Đại Việt sử ký toàn thư) ở chỗ gia phả được soạn để lưu truyền trong phạm vi một nhà, một họ, trong khi sử thi bao gồm hết thảy sự việc hoặc hành động của nhiều người ở nhiều họ khác nhau nhưng liên quan mật thiết tới quốc gia, gia phả cần được giữ kín trong khi sử được phổ biển công khai, ai xem cũng được. Đôi khi gia phả có ghi thêm sự việc thì những sự việc này liên quan đến dòng họ nhiều hơn là quốc gia. Trong gia phả ít khi có lẫn sử, nhưng ngược lại trong sử và trong hầu hết các truyện danh nhân, các ký sự lịch sử đều có điểm xuyết ít nhiều gia phả.

Theo sử gia Phan Huy Chú, năm 1026, vua Lý Thái Tổ đã hạ lệnh biên soạn Hoàng triều ngọc điệp (một thứ gia phả của Hoàng tộc). Đáng tiếc sách này đã mất. Hiện nay, trong số 264 gia phả đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cuốn gia phả của họ Trần (xã Đồng Ngạc, huyện Từ Liêm- Hà Nội) là cuốn có niên đại sớm nhất, được soạn năm 1533. Cuốn này ghi lại thế hệ thứ mười, đời từ Trần Thụ đến Trần Văn Kính.

Trong 264 cuốn gia phả nói trên, có cuốn được ghi bằng chữ Hán, có cuốn được ghi bằng chữ Nôm. Về tên gọi, 117 cuốn mang tên phả ký, 53 cuốn gọi là thế phả, 24 cuốn mang tên phả ký, 16 cuốn tộc phả, 5 cuốn ngọc phả, 4 cuốn phả hệ…Chi có 3 trên tổng số 264 gia phả được khắc in, còn lại là sách chép tay. Về dộ dày, cuốn nhiều số trang nhất là Hương Khế Nguyễn Thị gia phả: 1.200 trang viết tay. Đây là gia phả họ Nguyễn ở Hương Khê, dòng họ này có nhiều người học giỏi. Cuốn có ít trang nhất là Giáo dục xã Đỗ tộc phả của họ Đỗ ở tống Đại An, huỵên Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, chỉ có 6 trang. Gia phả gồm 100 trang trở lên có 123 cuốn. Phần lớn gia phả viết bằng văn xuôi, có cuốn viết bằng văn xuôi xen văn vần, cũng có một số ít viết theo thể thơ lục bát như: Nguyễn Đình tộc gia phả.

Có 162 gia phả ghi tên biên soạn, người viết lời tựa, trong số này có người giữ chức vụ cao trong Nhà nước quân chủ (Nguyễn Nghiễm), có người vừa làm quan vừa sáng tác văn thơ (Ngô Thì Sĩ, Phạm Đình Hổ). Về địa bàn phân bổ, Thăng Long- Hà Nội là nơi có nhiều gia phả nhất, sau đó đến các tỉnh Hà Tây, Hải Dương, Nghệ An…Chỉ thấy có 3 cuốn ở các tỉnh phía Nam: Thừa Thiên Huế, Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh) và Hà Tiên.

Số gia phả được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm chưa phải là tất cả số gia phả của Việt Nam. Do chiến tranh, loạn lạc, một số dòng họ không còn giữ được. Do căn bệnh ấu trĩ là khuynh hướng, có lúc có người cho rằng gia phả là tàn tích phong kiến, là tài liệu phản động, lạc hậu, vì vậy không ít cuốn đã bị thiêu huỷ.